Khái quát về tình hình cơ sở hạ tầng hiện tại và định hướng phát triển cơ sở hạ tầng trong tương lai phù hợp với mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh đến năm 2020
Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Đăk Nông). Phía bắc giáp tỉnh Gia Lai qua quốc lộ 14 sẽ đến trung tâm kinh tế Đà Nẵng và khu công nghiệp Dung Quất, khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam, Quảng Ngãi). Phía đông giáp tỉnh Khánh Hoà qua quốc lộ 26, đây là trung tâm du lịch lớn của cả nước, đồng thời có cảng biển giao thương hàng hoá với nước ngoài. Phía nam là các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh qua quốc lộ 14. Đây là trung tâm kinh tế trọng điểm của phía Nam. Phía tây là vương quốc Campuchia thông qua cửa khẩu kinh tế Đăk Ruê.
Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung sẽ hình thành mạch giao thông rất thuận lợi để phát triển thương mai - dịch vụ. Cùng với việc Chính phủ đầu tư tuyến đường Hồ Chí Minh, hàng loạt các công trình đầu tư nhằm khai thác lợi thế của tuyến giao thông này. Điển hình là việc đầu tư xây dựng cửa khẩu quốc tế Bờ Y (Kon Tum) và các trục giao thông sẽ hình thành nhánh của con dường xuyên Á bắt đầu từ Côn Minh (Trung Quốc) - Myanmar - Lào - Thái Lan qua cửa khẩu Bờ Y tạo mối quan hệ thương mại quốc tế giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ. Đây cũng là điều kiện khá lý tưởng để thu hút khách du lịch các nước theo tuyến đường bộ này vào Tây Nguyên - Đắk Lắk cũng như khuyến khích du khách Đắk Lắk đi du lịch nước ngoài.
Đường giao thông nội tỉnh được đầu tư mở mới và nâng cấp thuận lợi có thể thông thương đến biên giới Campuchia.
Với một vị trí thuận lợi như vậy, Đắk Lắk sẽ là trung tâm giao lưu hàng hoá giữa các vùng và tạo điều kiện cho phát triển du lịch, dịch vụ trong những năm tới đây.
Đường bộToàn tỉnh hiện có 397,5km đường quốc lộ, trong đó:
- Quốc lộ 14: 126 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông
- Quốc lộ 26: 119 km, từ ranh giới tỉnh Khánh Hòa đến TP Buôn Ma Thuột
- Quốc lộ 27: 84 km, từ TP Buôn Ma Thuột đến ranh giới tỉnh Lâm Đồng
- Quốc lộ 14C: 68,5 km, từ ranh giới tỉnh Gia Lai đến ranh giới tỉnh Đăk Nông.
Đường hàng không
Hàng ngày có các chuyến bay từ Buôn Ma Thuột đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và ngược lại bằng máy bay cỡ trung A320.
Cụm cảng Hàng không Buôn Ma Thuột đang tiếp tục được đầu tư xây dựng hệ thống sân bãi và cơ sở vật chất nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông trong tương lai.
Xe buýt
Hiện nay có tuyến xe buýt dến tất cả các điểm thuộc thành phố Buôn Ma Thuột và từ thành phố Buôn Ma Thuột đi đến trung tâm hầu hết các huyện trong tỉnhgóp phần đáng kể vào việc đáp ứng nhu cầu đi lại và hạn chế tai nạn giao thông.
Quy hoạch đến 2010 và 2020
Giao thông đường bộ
Từ nay đến năm 2020, tiếp tục củng cố, khôi phục, nâng cấp các công trình giao thông đường bộ hiện có, hoàn chỉnh mạng lưới, xây dựng mới một số công trình có yêu cầu cấp thiết, đảm bảo mật độ mạng lưới đường trên 0,6 km/km2. Phấn đấu đến năm 2020 nhựa hóa hoặc bê tông hóa toàn bộ tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường đô thị; 50% số km đường xã được cứng hóa.
Đến năm 2020, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ tỉnh Đắk Lắk được dự kiến:
· Nâng cấp 4 tuyến quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ hiện có.
· Qui hoạch thêm tuyến quốc lộ mới (Đắk Lắk-Phú Yên), đường Trường Sơn Đông và nâng cấp từ các tuyến huyện lộ lên tỉnh lộ.
· Cải tạo nâng cấp hệ thống huyện lộ, đường đô thị, đường xã, hệ thống đường thôn, buôn và các đường chuyên dùng nông, lâm nghiệp.
· Tạo thành mạng lưới giao thông tương đối hoàn chỉnh nối với mạng lưới đường quốc gia và nối với các tuyến đường trong Tam giác phát triển 3 nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia.
Qui hoạch giao thông tĩnh
Quy hoạch, xây dựng điểm dừng, điểm nghỉ tại đèo Hà Lan - Krông Buk trên tuyến đường Hồ Chí Minh.
Dự kiến quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có 3 bến xe khách, 1 bến xe buýt ở trung tâm thành phố, hình thành mạng lưới các điểm đỗ xe buýt nội thị và đến các điểm ven đô, các huyện lân cận, 3 bãi đỗ xe tải các bãi đỗ xe con, xe du lịch ở những nơi tham quan, du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, chợ. Tại ở mỗi thị xã, mỗi huyện có từ 1- 2 bến xe khách
Xây dựng một trung tâm sát hạch lái xe của tỉnh và mạng lưới Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại thành phố Buôn Ma Thuột và khu vực các huyện Ea Kar và Krông Buk.
1.2. Giao thông hàng không.
Cảng hàng không Buôn Ma Thuột hiện tại là cấp 4E cho loại máy bay A 321 lên xuống, trong khi đó công suất nhà ga 150.000 hành khách/năm. Đến năm 2010 phục vụ 300.000 hành khách/năm (năm 2020 là 800.000) và 3.000 tấn hàng hóa/năm.
1.3. Giao thông đường sắt.
Qui hoạch tuyến đường sắt Tuy Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 160 km, trong đó đoạn nằm trên địa phận tỉnh Đắk Lắk dài khoảng 85 km; tổng số ga trên toàn tuyến là 8 ga, trong đó trên địa phận Đắk Lắk có 5 ga.
Toàn bộ hệ thống viễn thông đã được số hóa, nhiều thiết bị hiện đại đã được đưa vào sử dụng. Hệ thống điện thoại cố định đến trung tâm tất cả các xã trong tỉnh, tỷ lệ điện thoại cố định đạt 5,2 máy / 100 dân.
Hiện tại tất cả các huyện trong tỉnh đã có sóng di động, với các nhà cung cấp dịch vụ: Mobifone, Vinaphone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, HT Mobile.
Dịch vụ internet ADSL hiện tại đã có ở hầu hết tất cả các huyện trong tỉnh, với 2 nhà cung cấp dịch vụ VDC và Viettel.
Quy hoạch đến 2010 và 2015
Triển khai chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Cụ thể là:
Năm 2010 mạng thông tin quốc gia nối tới tất cả các huyện và nhiều xã trong tỉnh bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác; ít nhất 30% số thuê bao có khả năng truy cập viễn thông và internet băng rộng. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền cấp huyện và thành phố được kết nối internet băng thông rộng và kết nối mạng diện rộng của Chính phủ. 100% số xã trong tỉnh có điện thoại; 100% các điểm bưu điện văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng được kết nối internet.
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ di động, internet, thương mại điện tử, dịch vụ phục vụ Chính phủ điện tử, dịch vụ công, dịch vụ công cộng và các dịch vụ giá trị gia tăng khác trên địa bàn tỉnh.
Năm 2010, đạt mức độ phục vụ bình quân dưới 4.000 người dân trên một điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, bán kính phục vụ bình quân dưới 3 km, đạt chỉ tiêu 100% số xã có báo đến trong ngày. Đến năm 2020 đạt mức bình quân duới 3.000 người dân trên một điểm phục vụ bưu chính - viễn thông, bán kính phục vụ bình quân dưới 2 km.
Năm 2010, mật độ điện thoại bình quân đạt 32 - 35 máy/100 dân; mật độ internet đạt 8 - 12 thuê bao/100 dân. Năm 2020, mật độ điện thoại bình quân đạt 50 máy/100 dân.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn lành nghề, có phẩm chất; làm chủ công nghệ, kỹ thuật hiện đại; vững vàng về quản lý kinh tế.
Cấp thoát nước
Có hệ thống xử lý và cấp nước tập trung, đủ cho sinh hoạt của người dân tại thành phố Buôn Ma Thuột và các thị trấn Buôn Hồ (huyện Krông Buk), Buôn Trấp (huyện Krông Ana), Quảng Phú (huyện Cư M’gar)... Ngoài ra còn có các hệ thống cấp nước khác phục vụ cho các khu, cụm công nghiệp.
Năm 2006, tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sạch đạt 60%, trong đó ở khu vực thành thị đạt 72%, khu vực nông thôn 46%.
Quy hoạch đến 2010
- Đến năm 2010, đảm bảo cho 100% dân số thành thị được dùng nước sạch với định mức bình quân 120 lít/ngày và trên 70% dân số nông thôn với bình quân 80 - 90 lít/ ngày. Đến năm 2020 có 100% dân số được sử dụng nước sạch.
- Tranh thủ thu hút các nguồn vốn ODA, NGO; kết hợp nhà nuớc và nhân dân cùng làm, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, nhà máy nước, trạm cấp nước và được thu tiền sử dụng nước của các hộ gia đình.
- Khuyến khích thành lập các hợp tác xã kinh doanh nước sinh hoạt. Thực hiện giá khuyến khích lắp đặt và sử dụng nước, hoặc cho vay trả chậm đối với các hộ nghèo.
Mạng lưới điện
Điện của tỉnh Đắk Lắk đảm bảo đầy đủ cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Hiện nay, toàn bộ các xã đã có điện lưới với tỷ lệ số hộ được sử dụng điện lưới lên tới 84%.
Hệ thống thủy điện
Đắk Lắk là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển thủy điện. Trên địa bàn của tỉnh có các đầm hồ lớn như hồ Lắk (huyện Lắk), sông Sêrêpôk có trữ lượng thủy điện khoảng 2.636 triệu KW. Hiện tại có 23 công trình thuỷ điện nhỏ đã được đầu tư xây dựng với tổng công suất lắp máy 14.280KW đang hoạt động. Các công trình thủy điện lớn là Buôn Kuốp 280 MW và Buôn Tua Srah 86 MW đã được khởi công xây dựng, công trình Sêrêpôk III 220 MW và Sêrêpôk IV 70 MW đang chuẩn bị khởi công.
Quy hoạch đến 2010 và 2015
Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện cho các ngành sản xuất, dịch vụ và sinh hoạt của dân cư. Phấn đấu đến năm 2010, có 95% số hộ có điện và đến năm 2015 là 100% số hộ dân trong toàn tỉnh có điện.
Tích cực xây dựng các nhà máy thuỷ điện có công suất vừa và nhỏ để bổ sung một phần nguồn điện cho hệ thống điện của tỉnh, đồng thời tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Đến năm 2010 - 2020 xây dựng thêm một số trạm 110KV để tăng tính liên tục cung cấp điện. Xây dựng một số đường dây trung áp từ trạm 110KV để cấp điện cho các khu công nghiệp. Tiếp tục hoàn chỉnh lưới điện 110 KV tại các vùng phụ tải.
Đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 533 công trình thủy lợi các loại, trong đó có khoảng 441 hồ chứa, còn lại là các đập dâng và một số trạm bơm lưới. Tổng dung tích trữ nước từ các công trình thủy lợi khoảng gần 421 triệu m3 (chưa kể hồ Easúp). Hàng năm đảm bảo cung cấp nước tưới cho 18.000 ha lúa và 40.600 ha cà phê.
Kế hoạch đầu tư công trình thủy lợi đến năm 2010: Đầu tư xây dựng 625 công trình, trong đó: Xây dựng mới: 175 công trình; sửa chữa nâng cấp: 152 công trình; Kiên cố hóa kênh mương: 298 công trình để tưới cho 88.522 ha cây trồng với tổng mức vốn đầu tư dự kiến 4.850 tỷ đồng. Đến năm 2010 đảm bảo đủ nước tưới cho 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới và đến năm 2020 đạt 90%.