10:26 EDT Thứ năm, 10/10/2024

Hỗ trợ

BAN GIÁM ĐỐC - 0938 150 980


LẬP DỰ ÁN - 0948 80 53 53


PHÁT TRIỂN DỰ ÁN - 05003 91 11 79


TIẾP THỊ DỰ ÁN - 0983 680 350


KINH DOANH - 0915 14 70 70


BIÊN PHIÊN DỊCH

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 2


Hôm nayHôm nay : 350

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 48093

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 1613658

Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến website Đất Vàng Buôn Ma Thuột từ đâu ?

Qua Internet

Qua báo chí

Qua bạn bè

Biển hiệu công ty

Tờ rơi, tài liệu

Khác

Trang nhất » Tin Tức » Thông tin BMT - Dak Lak » Thông tin tổng quan

Thông tin tổng quan về nông nghiệp - lâm nghiệp - thương mại của Tỉnh Dak Lak

Thứ bảy - 24/08/2013 23:50
Tình hình phát triển nông lâm nghiệp và thương mại của Tỉnh Dak Lak
Năm 2006, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp đạt 7.508,6 tỷ đồng, giảm 2,82% so với năm 2005, trong đó nông nghiệp giảm 3,1%; lâm nghiệp tăng 4,8%; thủy sản tăng 15,3%. Nông nghiệp vẫn chiếm tỉ trọng lớn (97,9%) trong cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp.
 
Trong nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi tiếp tục được chuyển đổi, các sản phẩm trồng trọt chủ yếu vẫn duy trì mức tăng khá: cao su 22,7 nghìn ha, sản lượng 23,5 nghìn tấn cây điều diện tích tăng nhanh đạt 38,9 nghìn ha, sản lượng 13,1 nghìn tấn; sản lượng lương thực có hạt 882,2 nghìn tấn...
 
Từ năm 2003 Đắk Lắk đã có nhiều dự án áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào công tác chăn nuôi và phát triển giống. Nhiều giống vật nuôi có sự chuyển biến khá mạnh mẽ. Bò cái thụ tinh nhân tạo, nạc hoá heo, heo giống, gà thả vườn, ngan Pháp… đã được triển khai. Nhìn chung các mô hình trình diễn của các chương trình đều được đánh giá có hiệu quả cả về mặt kinh tế - xã hội, được hộ nông dân chấp nhận và hưởng ứng cao, góp phần nhân rộng sản xuất.
 
Về lâm nghiệp, Đắk Lắk có diện tích rừng và trữ lượng gỗ lớn, tài nguyên sinh vật rừng phong phú đa dạng và nhiều loại thực vật có giá trị kinh tế cao, nhiều động vật rừng quý hiếm và được xếp loại “sách đỏ” trên thế giới. Rừng phủ một màu xanh ngút ngàn lên khắp tỉnh Đắk Lắk. Rừng như một tấm áo giáp bao bọc, chở che cho người dân nơi đây. Những lâm trường của Đắk Lắk hôm nay như trẻ ra vì sắc xanh của rừng. Trong năm 2006 trồng được 4.000 ha rừng tập trung, khoanh nuôi tái sinh được 2.940 ha. Khai thác gỗ giảm mạnh từ 116.894 m3 gỗ năm 2000 xuống còn 56.300 m3 năm 2006.
 
Trong thời gian tới, nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh Đắk Lắk là đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng đa dạng hoá cây trồng, ưu tiên phát triển hàng nông lâm sản xuất khẩu gắn với công nghiệp chế biến trên cơ sở xác định rõ cơ cấu kinh tế của từng vùng, từng huyện cùng với việc đổi mới quan hệ sản xuất ở nông thôn. Tiếp tục chuyển đổi cà phê ở những vùng không phù hợp, thiếu nguồn nước sang các loại cây trồng như ca cao, trồng rừng, ổn định đất trồng lúa khoảng 56 - 58 nghìn ha vào năm 2010, 2020. Chuyển đổi những vùng  trồng lúa không ổn định nước tưới và lúa cạn sang trồng cây công nghiệp ngắn ngày như bông vải, ngô, mía, đậu tương. Đảm bảo quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu cho nhà máy mía đường, nhà máy chế biến bông, nhà máy chế biến tinh bột sắn và nhà máy chế biến dứa.


Lâm nghiệp Đóng vai trò Quan trọng Đối với Nền Kinh tế tỉnh
 
Diện tích đất lâm nghiệp của Đắk Lắk có 604.293 ha, trong đó rừng tự nhiên là 585.939 ha, rừng trồng là 18.354 ha, tỷ lệ độ che phủ 46%. Tổng trữ lượng rừng trên 50 triệu m3, trong đó trữ lượng rừng thường xanh 36,3 triệu m3 (rừng giàu và trung bình 24,4 triệu m3, rừng nghèo 8,9 triệu m3, rừng non 2,9 triệu m3), trữ lượng rừng khộp 21,2 triệu m3 (rừng giàu và trung bình 4,7 triệu m3, rừng nghèo 12,2 triệu m3, rừng non 4,2 triệu m3), rừng hỗn giao 1 triệu m3, rừng trồng 0,3 triệu m3. Tổng trữ lượng rừng tre nứa 335,9 triệu cây. 

Thảm thực vật và đa dạng sinh học: Với các kiểu rừng: rừng kín lá rộng, rừng thường xanh quanh năm, rừng lá á kim nhiệt đới, rừng kín nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới, rừng thưa, rừng hỗn giao tre nứa, trảng cây bụi, thảm cỏ tự nhiên và các nông quần hợp như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía, bông cùng các loại cây ăn quả và cây lương thực.
 
Rừng Đắk Lắk có nhiều loại gỗ, cây dược liệu trong đó có một số loại gỗ quý như Cẩm Lai, Trắc, Lim, Sến, Táu, Cà te, Giáng hương, Thuỷ tùng ... ngoài ra còn nhiều loại lâm thổ sản khác; nhiều loại động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ của nước ta và sách đỏ của thế giới phân bố chủ yếu ở vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, các khu bảo tồn Nam Kar, Ea Sô ... Rừng Đắk Lắk nằm ở thượng lưu các sông suối lớn nên đóng vai trò quan trọng về phòng hộ và bảo vệ nguồn sinh thủy không những cho tỉnh và còn cho cả khu vực.
 
Định hướng phát triển rừng đến 2020
 
Rà soát và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn gien động thực vật rừng quý hiếm và đa dạng sinh học.
 
Bảo vệ, chăm sóc và giữ vững vốn rừng hiện còn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng biên giới. Gắn bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ biên giới.
 
Đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ; trồng rừng nguyên liệu qui mô lớn gắn với công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo phương thức thâm canh, sử dụng giống cây lâm nghiệp có năng suất cao; trồng rừng tạo cảnh quan du lịch. Khuyến khích phong trào trồng cây phân tán ven đường giao thông, ven các sông suối tạo bóng mát và cải thiện môi trường sinh thái v.v.
 
Khai thác tài nguyên rừng hợp lý, đảm bảo tái sinh rừng và giữ cân bằng sinh thái. Rà soát và phân loại các vùng rừng và hạn chế khai thác rừng tự nhiên trên một số địa bàn xung yếu. Đẩy mạnh khai thác diện tích rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch.
 
Đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, đảm bảo trên từng khu rừng đều có chủ rừng cụ thể nhằm bảo vệ, quản lý, khai thác rừng có hiệu quả. Gắn lợi ích kinh tế của người sản xuất lâm nghiệp với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
 
Về quản lý và bảo vệ rừng.
 
Xây dựng và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Thiết lập ổn định và quản lý có hiệu quả 3 loại rừng theo cơ cấu: 34% rừng đặc dụng, 11,3% rừng phòng hộ, 54,7% rừng sản xuất. Chú trọng bảo vệ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu như rừng phòng hộ sông Sêrêpôk, phòng hộ biên giới Campuchia, dọc quốc lộ 14, rừng phòng hộ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, những địa bàn dốc núi cao; rừng bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai các hoạt động chống chặt phá rừng trái phép; phòng cháy và chữa cháy rừng có hiệu quả, ngăn ngừa và phòng trừ sâu hại rừng. Kết hợp giữa bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh rừng ở những nơi có điều kiện với diện tích 25.000 ha giai đoạn 2006 - 2010, khoảng 50.000 ha giai đoạn 2011- 2020.
 
Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Giai đoạn 2006 - 2020, trồng mới rừng với diện tích khoảng 70 - 75 nghìn ha, trong đó thời kỳ 2006 - 2010, trồng khoảng 20.000 ha. Phấn đấu bình quân mỗi năm trồng được khoảng 4 - 5 nghìn ha và khoảng 1 - 1,5 triệu cây phân tán. Nâng mật độ che phủ toàn tỉnh lên 50% vào năm 200 và 54% vào năm 2020. Qui hoạch và từng bước hình thành được một số vùng rừng nguyên liệu tập trung theo hướng thâm canh, tạo thành vùng tập trung gắn với công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản. Chú trọng trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng nhằm bảo vệ cân bằng sinh thái và tạo cảnh quan môi trường. Bằng phương thức nông, lâm kết hợp theo mô hình vườn đồi, vườn rừng khuyến khích trồng cây có giá trị xuất khẩu như điều và một cây số dược liệu khác. Kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng tập trung với xây dựng các vành đai chắn gió phòng hộ cho thành phố, vành đai vườn; trồng cây phân tán dọc đường giao thông, ven sông suối nhằm cung cấp nguyên liệu gỗ dân dụng, củi gia dụng, tạo cảnh quan du lịch, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.


Xuất nhập khẩu của Đắk Lắk


Xuất khẩu là lĩnh vực đạt nhiều thành tựu quan trọng của tỉnh trong thời gian qua. Hàng hoá của tỉnh đã được xuất khẩu sang 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với số lượng và chủng loại các mặt hàng phong phú. Năm 2006 tổng giá trị xuất khẩu toàn tỉnh đạt 380 triệu USD, tăng 30,7% so với năm 2005. Các mặt hàng xuất khẩu chính là cà phê, cao su, tiêu, điều, tinh bột sắn, mật ong… Với lợi thế về “rừng vàng”, ngành xuất khẩu Đắk Lắk đang hy vọng có thể sớm mở rộng hơn kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ, song mây, tre nứa,…
 
Có thể nói, trong những năm qua, ngành xuất khẩu của tỉnh đã góp phần đắc lực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tác động tích cực vào sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời tạo đà cho nhiều ngành kinh tế trong tỉnh phát triển, góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ phục vụ xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cả về kim ngạch, số lượng hàng hoá và thị trường, một mặt chứng minh cho uy tín của hàng hoá xuất khẩu Đắk Lắk trên thị trường thế giới, mặt khác tạo ra cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa người sản xuất với nhà xuất khẩu, ổn định sản xuất, từng buớc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo nhu cầu của thị trường.
 
Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất như: phân bón, hoá chất, hạt nhựa… Ngoài ra, còn có một số nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất hàng hoá và hàng tiêu dùng khác, góp phần phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và đời sống của bà con trong tỉnh.  

Trong những năm qua, cà phê, cao su, tiêu đen, điều nhân, mật ong là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, các mặt hàng từ công nghiệp chế biến nông sản như dầu thực vật, tinh bột sắn, ngô, cà phê bột,… cũng là những thế mạnh của Đắk Lắk. 

                     dlxuatkhau.jpg

     Sản xuất Công nghiệp Có Tốc độ Phát triển Cao

Nhờ phát huy được sức mạnh nội lực cùng với sự nhanh nhạy chớp thời cơ nên trong thời gian qua, ngành công nghiệp Đắk Lắk có nhiều biến chuyển sâu sắc. Đó là sự trưởng thành bằng chính nỗ lực vượt bậc để mở mang tầm vóc, làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và của ngành công nghiệp nói riêng. Năm 2006, giá trị sản xuất công nghiệp là 2.519.777 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng 31,4% so với năm 2005.
 
Đến nay công nghiệp đã hình thành được một hệ thống khá đồng bộ gồm các ngành sản xuất và phân phối điện nước, khai thác mỏ, và đặc biệt là công nghiệp chế biến. Nhiều cơ sở công nghiệp có quy mô vừa và tương đối hiện đại được xây dựng và đưa vào sản xuất như chế biến cà phê, đường mía, tinh chế gỗ, cán bông, sản xuất vật liệu xây dựng…
 
Giá trị sản xuất công nghiệp theo ngành (giá hiện hành)
 
Đơn vị: Triệu đồng
 
Ngành công nghiệp 2004 2005 2006
Chế biến 1.193.507 1.572.882 2.068.168
Khai thác 89.801 98.824 166.462
Sản xuất và phân phối điện, nước, khí đốt 208.268 246.445 285.147
Tổng số 1.491.576 1.918.151 2.519.777
 
 
Giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng đáng kể, đặc biệt là khu vực công nghiệp chế biến ngoài quốc doanh. Công nghiệp quốc doanh Trung ương tăng cao do sản phẩm của các doanh nghiệp quốc doanh Trung ương tăng như sản xuất đường mật các loại, chế biến cà phê nhân, gỗ, điện thương phẩm, gạch các loại và có thêm một số sản phẩm mới như cà phê bột, cà phê hoà tan, điều. Khu vực công nghiệp quốc doanh địa phương, một số công ty đã tiến hành cổ phần hoá nên tổng giá trị sản xuất giảm do đã chuyển phần giá trị sản xuất của các công ty này sang thành phần kinh tế ngoài quốc doanh.
 
 
Thời kỳ 2006-2010, Đắk Lắk phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp khoảng 17,5-18%. Cơ cấu công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, đạt khoảng 85% năm 2010. Công nghiệp chế biến nông lâm sản hướng vào các sản phẩm: cao su, cà phê, bông, điều, sắn, ngô, cacao, cây ăn quả; các sản phẩm chăn nuôi như thịt, da; đồ gỗ tinh chế xuất khẩu, ván nhân tạo và đồ gỗ từ ván nhân tạo; các sản phẩm từ tre như giấy bao bì, đũa.
 
Hình thành các cụm, khu công nghiệp như khu công nghiệp tập trung Hòa Phú, cụm tiểu thủ công nghiệp thành phố Buôn Ma Thuột, cụm công nghiệp Ea Đar (Ea Kar), cụm công nghiệp Buôn Hồ (Krông Buk)
 
Phục hồi và phát triển một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ: mây tre, mộc mỹ nghệ, thổ cẩm, chế tác đồ trang sức, hàng lưu niệm… phục vụ cho du lịch và xuất khẩu.
 
 
Trong những năm qua do có sự nỗ lực kêu gọi cũng như tạo mọi điều kiện khuyến khích, thu hút đầu tư nên các nhà đầu tư trong cũng như ngoài tỉnh đã đầu tư khá nhiều dự án sản xuất công nghiệp vào Đắk Lắk. Đến năm 2006 toàn tỉnh đã có 6.723 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, tăng thêm 1.641 cơ sở so với năm 2000. Nhiều nhà máy đang xây dựng sẽ đưa tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp tăng nhanh vào những năm tới như: nhà máy chế biến cao su, xưởng may giày da, các công trình thuỷ điện Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Krông Hing, Krông Kmar, Sêrêpok 3, chế biến cà phê bột. Công nghiệp năng lượng đang được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, phát triển trở thành ngành công nghiệp chủ lực trong thời gian tới.
Trong giai đoạn đến năm 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ hình thành các ngành công nghiệp chủ yếu sau:
 
Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm
 
Tập trung đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại của các ngành công nghiệp chế biến cà phê, cao su, điều, ca cao, bông, gỗ, thực phẩm... nhằm giảm dần các sản phẩm sơ chế, tăng chất lượng, khối lượng và giá trị hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh, ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu, đem lại hiệu quả cao.
 
Công nghiệp năng lượng
 
Đắk Lắk có trữ năng thủy điện lớn. Hệ thống sông Sêrêpôk có trữ năng kinh tế được đánh giá khoảng 2,6 tỉ KWh. Ngoài ra còn có nhiều sông suối để xây dựng khoảng 100 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất lắp đặt 182 MW, sản lượng điện hàng năm khoảng 800 triệu KWh.
 
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng
 
Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng gồm sản xuất gạch, vật liệu lợp, sản xuất bê tông. Các sản phẩm khai khoáng chủ yếu là đá xây dựng, cát, cuội, sỏi, fenspat, chì, kẽm v.v.
 
Công nghiệp hóa chất
 
Nguồn than bùn là nguyên liệu sản xuất phân vi sinh rất lớn. Đây là ngành công nghiệp triển vọng của tỉnh, không những làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp mà còn đáp ứng tốt cho nhu cầu phân bón rất lớn trong sản xuất nông nghiệp. Các sản phẩm hóa chất khác bao gồm các ống nhựa, bao bì PP, PE, dược liệu, thuốc chữa bệnh v.v.
 
Công nghiệp cơ khí, thiết bị điện, điện tử
 
Phát triển theo hướng phục vụ cơ giới hóa nông, lâm nghiệp, chuyên sản xuất và sửa chữa các loại máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến nông, lâm sản, nhất là các nông, lâm sản đặc trưng của nông nghiệp Tây Nguyên như: cà phê, cao su, điều, nông sản thực phẩm, dầu thực vật; sản xuất và sửa chữa máy công tác phục vụ khâu làm đất, canh tác, làm thủy lợi, cơ khí giao thông, xây dựng, cơ khí tiêu dùng v.v... phục vụ trong tỉnh và các tỉnh lân cận trong vùng.
 
Điện tử, điện dân dụng: Phát triển lắp ráp và sửa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dụng ở các thị xã, thị trấn, các điểm dân cư tập trung. Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các cơ sở dịch vụ sửa chữa điện tử, điện dân dụng tại các khu vực nông thôn phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của dân cư trên các địa bàn.
 
Các ngành công nghiệp nhẹ
 
Phát triển rộng nghề may ở các đô thị lớn như thành phố Buôn Ma Thuột, các thị xã, thị trấn huyện nhằm đáp ứng nhu cầu may mặc, thị hiếu của các địa phương và tạo thêm việc làm cho người lao động.


 

Nguồn tin: www.daklakdpi.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 
Đối tác chiến lược