Tổng quan về điều kiện tự nhiên - xã hội của Tỉnh Dak Lak

thông tin về tự nhiên, tài nguyên, xã hội của tỉnh Dak Lak
Điều kiện tự nhiên Đóng

 
Địa hình của tỉnh nói chung và vùng nói riêng rất đa dạng và phong phú, nằm ở phía Tây và cuối dãy Trường Sơn, là một cao nguyên rộng lớn, địa hình dốc thoải, lượn sóng, khá bằng phẳng xen kẽ với các đồng bằng thấp ven theo các sông chính. Địa hình của tỉnh có hướng thấp dần từ Đông Nam sang Tây Bắc.
 
Khí hậu toàn tỉnh được chia thành hai tiểu vùng khí hậu. Vùng phía Tây Bắc có khí hậu nắng nóng, khô hanh về mùa khô; Vùng phía Đông có khí hậu mát mẻ, ôn hòa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 24oC, tháng nóng nhất và lạnh nhất chênh lệch nhau chỉ hơn 5 độ.
 
Nhìn chung đặc điểm khí hậu vừa bị chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên với nhiệt độ ôn hoà gần như quanh năm, đã tạo ra các vùng sinh thái nông nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cà phê, tiêu, cao su, điều, bông vải…
 
 
Hệ thống sông, suối trên địa bàn tỉnh khá phong phú, phân bố tương đối đồng đều. Trên địa bàn tỉnh có hai hệ thống sông chính. Sông Sêrêpôk (có chiều dài sông chính là 315 km và hai nhánh chính là Krông Ana và Krông Nô) với nhiều thác nước cao có nguồn thuỷ năng lớn, khai thác thuỷ điện tốt như thác Buôn Kuốp, Dray Sáp, Dray H'Ling. Sông Ba nằm về phía Đông Bắc của tỉnh và có hai thuỷ lưu chính chảy trong phạm vi của tỉnh là Ea Krông Hin và Ea Krông Năng.
 
Bên cạnh hệ thống sông suối khá phong phú, trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều hồ tự nhiên và hồ nhân tạo, như hồ Lăk, Ea Kao, Buôn Triết....
 
 Với lượng mưa bình quân 1.900 mm, thì Đắk Lắk có 28,6 tỷ m³ nước, trong đó: lượng nước mưa chuyển vào dòng chảy khoảng 14,5 tỷ m³. Nguồn nước ngầm trên vùng đất bazan tương đối lớn. Trữ lượng công nghiệp cấp C2 ở cao nguyên Buôn Ma Thuột khoảng 21.028.000 m³/ngày, tạo thành 2 tầng chứa nước khác nhau. Nước ngầm có trữ lượng lớn ở độ sâu 40 - 90 mét, tổng lượng nước ngầm sử dụng vào những tháng mùa khô khoảng 482.400 m³/ngày.
 
 
Đất đai ở Đắk Lắk khá thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (dễ khai thác, đầu tư cải tạo thấp, độ an toàn sinh thái cao). Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1312,5 nghìn ha.
 
Chất lượng của một số loại đất như nhóm đất đỏ, phần lớn nằm trên địa hình tương đối bằng phẳng rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su v.v... cho năng suất cao và chất lượng tốt. Ngoài ra còn có nhiều loại đất khác như đất xám, đất nâu, đất nâu thẫm, thích nghi với nhiều loại cây trồng khác nhau như cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và một số cây lâu năm khác...
 
Đây là điều kiện khá thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng.
 
Theo kết quả phân loại đất đã được công bố năm 1995 (FAO - UNESCO), đất Đắk Lắk được chia thành các nhóm đất chính sau:
 
 
Các nhóm đất chính
Diện tích
(ha)
Tỷ lệ trên diện tích tự nhiên (%)
Phân bổ
Đất phù sa (Fluvisols)
14.708
1,1
Ven sông Krông Ana, Krông Nô
Đất Gley (Gleysols)
29.350
2,2
Tập trung ở các vùng trũng thuộc huyện Lăk, Krông Ana và rải rác ở các vùng ngập nước quanh năm
Đất than bùn (Histosols)
210
0,01
ở một số thung lũng kín vùng Bazan
Đất đen (Luvisols)
38.694
3
Xung quanh các miệng núi lửa, vùng rìa các khối bazan và các thung lũng bazan
Đất xám (Acrisols)
579.309
44,1
Hầu hết ở các huyện, trên dạng địa hình có độ dốc
Đất đỏ (Ferralson)
311.340
23,7
Tập trung tại các khối bazan Buôn Ma Thuột, phần lớn có độ dốc thấp, tầng đất mịn dày, có thành phần cơ giới nặng (tỷ lệ sét trên 40%) tơi xốp khi ẩm, khả năng giữ và hấp thu nước tốt. Nhóm đất này thích hợp với các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, cao su, dâu tằm...
Đất nâu (Lixisols)
146.055
11,1
ở địa hình ít dốc
Đất nâu thẫm (Phaeozems)
22.343
1,7
Trên đá bọt Bazan, ở vùng rìa cao nguyên bazan, ở chân gò, đồi bazan
Đất có tầng sét chặt, cơ giới phân dị (Planols) ký hiệu (PL)
32.980
2,51
ở huyện Ea Súp trên địa hình bán bình nguyên, địa hình lòng chảo hoặc thung lũng
Đất mới biến đổi (Cambisols) ký hiệu CM
23.498
1,7
 
Đất xói mòn trơ sỏi đá (Leptosols)
79.132
6,03
Chủ yếu ở Tây huyện Ea Súp, và vùng núi thấp và gò đồi rải rác ở các huyện
Đất nứt nẻ (Vertisols)
3.794
0,3
Tập trung ở huyện Krông Păk và vùng núi thấp và gò đồi rải rác ở các huyện
 
 
Diện tích tự nhiên phân theo mục đích sử dụng
 
Theo kết quả kiểm kê Đất đai tỉnh Đắk Lắk năm 2005, bao gồm:
 
 
Mục đích sử dụng Diện tích Tỷ lệ (%)
1. Đất nông nghiệp 1.084,6 nghìn ha 82,64
1.1 Đất sản xuất nông nghiệp 464,8 nghìn ha 35,41
1.2 Đất lâm nghiệp 618,2 nghìn ha 47,1
1.2.1 Đất rừng sản xuất 246,6 nghìn ha 18,8
1.2.2 Rừng phòng hộ 143,4 nghìn ha 10,9
1.2.3 Rừng đặc dụng 228,2 nghìn ha 17,4
1.3 Đất nuôi trồng thủy sản        1.597 ha  
1.4. Các loại đất nông nghiệp khác Trên 11 nghìn ha  
2. Đất phi nông nghiệp 91,55 nghìn ha 6,98
2.1 Đất ở đô thị 2,2 nghìn ha  
2.2 Đất ở nông thôn 10,7 nghìn ha  
2.3 Đất chuyên dùng 45,5 nghìn ha 3,46
2.4 Đất tôn giáo tín ngưỡng 96,97 ha  
2.5 Đất nghĩa trang nghĩa địa 1,67 nghìn ha  
2.6 Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 31,3 nghìn ha  
2.7 Đất phi nông nghiệp khác 13,3 ha  
3. Đất chưa sử dụng 136,3 nghìn ha 10,39
3.1 Đất bằng chưa sử dụng 12 nghìn ha  
3.2 Đất đồi núi chưa sử dụng 123,8 nghìn ha  
 
 
Định hướng sử dụng đất đến 2010 và 2020
 
Trên cơ sở hiện trạng sử dụng đất và tiềm năng đất chưa khai thác cùng với định hướng phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, nhu cầu sử dụng đất của các ngành và lĩnh vực, định hướng qui hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh theo các hướng chủ yếu sau:
 
Đất nông nghiệp: chủ yếu là tăng đất lâm nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản. Năm 2010, dự kiến đất trồng cây hàng năm khoảng 204,3 nghìn ha, cây lâu năm 268 nghìn ha; đến năm 2020 đất trồng cây hàng năm 201,2 nghìn ha, cây lâu năm 265 nghìn ha
 
Đất lâm nghiệp: Đến năm 2010 diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh cần đạt là 664.400 ha, năm 2020 là 704.400 ha.
 
Đất nuôi trồng thủy sản: Diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2010 là 3.250 ha, năm 2020 là 6.840 ha, tăng thêm 5.240 ha so với năm 2005.
 
Đất nông nghiệp khác: Diện tích khoảng 249 ha vào năm 2010 và 511 ha vào năm 2020.
 
Đất phi nông nghiệp:
 
Đất ở:
 
Được qui hoạch trên cơ sở hiện trạng đất ở của từng địa phương và định hướng qui hoạch phát triển mạng lưới các đô thị, kế hoạch tiếp nhận dân kinh tế mới và di dân tự do. Dự báo diện tích đất ở năm 2010 là 15.875 ha (tăng thêm khoảng 2.909 ha so năm 2005. Đến năm 2020 đất ở tăng lên 18.049 ha, tăng thêm 2.174 ha so năm 2010).  
 
Đất chuyên dùng:
 
Trong giai đoạn qui hoạch tới, đất chuyên dùng tăng nhanh do nhiều tuyến đường giao thông được nâng cấp, mở rộng và xây mới được xây dựng và mở rộng, xây dựng tuyến đường sắt, xây dựng các công trình hồ, đập thủy điện, thủy lợi, hành lang lưới điện, các khu - cụm công nghiệp v.v. Đất chuyên dùng có thể chuyển một phần từ đất ở nông thôn, đất vườn tạp trong vùng qui hoạch, đồng thời khai hoang đất chưa sử dụng. Chủ yếu là các loại đất:
 
a) Đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
 
Đất khu, cụm công nghiệp - TTCN. Trên địa bàn tỉnh dự kiến bố trí Khu công nghiệp tập trung Hòa Phú, cụm công nghiệp Buôn Hồ, cụm công nghiệp Ea Đar, Krông Bông, Ea Hleo, Buôn Ma Thuột v.v. và một số các cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã. Đến năm 2010, nhu cầu đất cho bố trí các khu, cụm công nghiệp khoảng 1.032,5 ha, năm 2020 tiếp tục tăng lên theo nhu cầu phát triển công nghiệp trên các địa bàn trong tỉnh.
 
Đất các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời kỳ 2006 - 2010, dự kiến bố trí khoảng 1.886 ha, tập trung cho việc xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, các khu du lịch v.v. Ngoài ra, dành quỹ đất cho khai thác khoáng sản 425,5 ha, đất sản xuất vật liệu xây dựng 511,5 ha.
 
b) Đất có mục đích công cộng, bao gồm:
 
·          Đất giao thông: Nhu cầu đến năm 2010 cần tăng 5.552 ha phục vụ cho nâng cấp mở rộng và xây mới quốc lộ là 1218,7 ha, nhu cầu xây dựng tỉnh lộ là 227 ha. Ngoài ra còn cần đất cho nhu cầu xây dựng bến xe, giao thông liên xã, giao thông đô thị, giao thông nông thôn.
·          Đất thủy lợi: Theo qui hoạch thủy lợi, thời kỳ 2006 - 2010 nhu cầu đất cho xây dựng các công trình thủy lợi lớn và nhỏ trên địa bàn tỉnh cần khoảng 875 ha, tập trung chủ yếu vào các công trình như hồ Krông Buk Hạ, Krông Păk Thượng, các hồ chứa các công trình thủy điện lớn như Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Sêrêpôk 3, Sêrêpôk 4, Krông H'Năng v.v. và thủy điện vừa, nhỏ trên các huyện, xã.
·          Đất chuyên dùng khác: Đất trụ sở cơ quan công trình sự nghiệp trong thời gian tới cũng tăng lên do chia tách các huyện, thành lập thị xã, thị trấn; xây dựng trụ sở các cơ quan và công trình của các cơ quan hành chính sự nghiệp, văn phòng đại diện của các Bộ ngành trung ương và địa phương v.v.; đất quốc phòng an ninh. Đất cho mục đích an ninh quốc phòng khoảng 2.362 ha. 
·          Ngoài ra, các loại đất chuyên dùng khác như đất chuyển dẫn năng lượng, đất cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, đất chợ v.v. cũng đều có nhu cầu tăng thêm cần bố trí hợp lý và sử dụng khai thác có hiệu quả.
c) Các loại đất phi nông nghiệp khác: Bao gồm đất tôn giáo tín ngưỡng, đất nghĩa trang, nghĩa địa, sông suối và mặt nước chuyên dùng v.v cần sử dụng tiết kiệm đất, tránh lãng phí, tận dụng để đưa vào sử dụng có mục đích hữu ích.
 
Đất chưa sử dụng:
 
Hiện trạng còn 136,3 nghìn ha, trong đó có đất đồi núi chưa sử dụng là 123,8 nghìn ha. Định hướng trong thời kỳ 2006 - 2020 khai hoang, cải tạo đưa vào sử dụng khoảng 85 nghìn ha và thời kỳ 2011- 2020 là 48 nghìn ha. Đến năm 2020, đất chưa sử dụng còn khoảng trên 3,6 nghìn ha.
 
 
Diện tích đất lâm nghiệp của Đắk Lắk có 604.293 ha, trong đó rừng tự nhiên là 585.939 ha, rừng trồng là 18.354 ha, tỷ lệ độ che phủ 46%. Tổng trữ lượng rừng trên 50 triệu m3, trong đó trữ lượng rừng thường xanh 36,3 triệu m3 (rừng giàu và trung bình 24,4 triệu m3, rừng nghèo 8,9 triệu m3, rừng non 2,9 triệu m3), trữ lượng rừng khộp 21,2 triệu m3 (rừng giàu và trung bình 4,7 triệu m3, rừng nghèo 12,2 triệu m3, rừng non 4,2 triệu m3), rừng hỗn giao 1 triệu m3, rừng trồng 0,3 triệu m3. Tổng trữ lượng rừng tre nứa 335,9 triệu cây. 

Thảm thực vật và đa dạng sinh học: Với các kiểu rừng: rừng kín lá rộng, rừng thường xanh quanh năm, rừng lá á kim nhiệt đới, rừng kín nửa rụng lá mưa mùa nhiệt đới, rừng thưa, rừng hỗn giao tre nứa, trảng cây bụi, thảm cỏ tự nhiên và các nông quần hợp như cà phê, cao su, tiêu, điều, mía, bông cùng các loại cây ăn quả và cây lương thực.
 
Rừng Đắk Lắk có nhiều loại gỗ, cây dược liệu trong đó có một số loại gỗ quý như Cẩm Lai, Trắc, Lim, Sến, Táu, Cà te, Giáng hương, Thuỷ tùng ... ngoài ra còn nhiều loại lâm thổ sản khác; nhiều loại động vật quý hiếm được ghi vào sách đỏ của nước ta và sách đỏ của thế giới phân bố chủ yếu ở vườn quốc gia Yok Đôn, Chư Yang Sin, các khu bảo tồn Nam Kar, Ea Sô ... Rừng Đắk Lắk nằm ở thượng lưu các sông suối lớn nên đóng vai trò quan trọng về phòng hộ và bảo vệ nguồn sinh thủy không những cho tỉnh và còn cho cả khu vực.
 
Định hướng phát triển rừng đến 2020
 
Rà soát và điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng một cách hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ các nguồn gien động thực vật rừng quý hiếm và đa dạng sinh học.
 
Bảo vệ, chăm sóc và giữ vững vốn rừng hiện còn, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng và rừng biên giới. Gắn bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về phát triển rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng bảo vệ biên giới.
 
Đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ; trồng rừng nguyên liệu qui mô lớn gắn với công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản theo phương thức thâm canh, sử dụng giống cây lâm nghiệp có năng suất cao; trồng rừng tạo cảnh quan du lịch. Khuyến khích phong trào trồng cây phân tán ven đường giao thông, ven các sông suối tạo bóng mát và cải thiện môi trường sinh thái v.v.
 
Khai thác tài nguyên rừng hợp lý, đảm bảo tái sinh rừng và giữ cân bằng sinh thái. Rà soát và phân loại các vùng rừng và hạn chế khai thác rừng tự nhiên trên một số địa bàn xung yếu. Đẩy mạnh khai thác diện tích rừng trồng nguyên liệu đến kỳ thu hoạch.
 
Đẩy mạnh công tác giao đất giao rừng, đảm bảo trên từng khu rừng đều có chủ rừng cụ thể nhằm bảo vệ, quản lý, khai thác rừng có hiệu quả. Gắn lợi ích kinh tế của người sản xuất lâm nghiệp với nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng.
 
Về quản lý và bảo vệ rừng.
 
Xây dựng và bảo vệ diện tích rừng hiện có. Thiết lập ổn định và quản lý có hiệu quả 3 loại rừng theo cơ cấu: 34% rừng đặc dụng, 11,3% rừng phòng hộ, 54,7% rừng sản xuất. Chú trọng bảo vệ các khu rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu như rừng phòng hộ sông Sêrêpôk, phòng hộ biên giới Campuchia, dọc quốc lộ 14, rừng phòng hộ các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, những địa bàn dốc núi cao; rừng bảo tồn đa dạng sinh học. Triển khai các hoạt động chống chặt phá rừng trái phép; phòng cháy và chữa cháy rừng có hiệu quả, ngăn ngừa và phòng trừ sâu hại rừng. Kết hợp giữa bảo vệ rừng với khoanh nuôi tái sinh rừng ở những nơi có điều kiện với diện tích 25.000 ha giai đoạn 2006 - 2010, khoảng 50.000 ha giai đoạn 2011- 2020.
 
Đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Giai đoạn 2006 - 2020, trồng mới rừng với diện tích khoảng 70 - 75 nghìn ha, trong đó thời kỳ 2006 - 2010, trồng khoảng 20.000 ha. Phấn đấu bình quân mỗi năm trồng được khoảng 4 - 5 nghìn ha và khoảng 1 - 1,5 triệu cây phân tán. Nâng mật độ che phủ toàn tỉnh lên 50% vào năm 200 và 54% vào năm 2020. Qui hoạch và từng bước hình thành được một số vùng rừng nguyên liệu tập trung theo hướng thâm canh, tạo thành vùng tập trung gắn với công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản. Chú trọng trồng rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng đặc dụng nhằm bảo vệ cân bằng sinh thái và tạo cảnh quan môi trường. Bằng phương thức nông, lâm kết hợp theo mô hình vườn đồi, vườn rừng khuyến khích trồng cây có giá trị xuất khẩu như điều và một cây số dược liệu khác. Kết hợp chặt chẽ giữa trồng rừng tập trung với xây dựng các vành đai chắn gió phòng hộ cho thành phố, vành đai vườn; trồng cây phân tán dọc đường giao thông, ven sông suối nhằm cung cấp nguyên liệu gỗ dân dụng, củi gia dụng, tạo cảnh quan du lịch, điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường.
 
 
Đak Lak là tỉnh có tiềm năng về tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản phục vụ cho phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng. Các khoáng sản chủ yếu là:
 
Caolin được dùng trong nguyên liệu gốm sứ có trữ lượng P là 36,9 triệu tấn (mỏ ở M'Đrăk 33,9 triệu tấn, mỏ Ea Knôp của huyện Ea Kar 3 triệu tấn), phân bố chủ yếu ở M'Đrắk, Ea Kar.
 
Fenspat có 2 mỏ với tổng trữ lượng 2,74 triệu tấn (mỏ Krông Hnăng ở M'Đrăk có trữ lượng 0,74 triệu tấn, mỏ Iak Bo của huyện Ea Kar có trữ lượng 2 triệu tấn. Fenspat được khai thác và cung cấp cho các cơ sở sản xuất gốm sứ .
 
Cát, cuội sỏi xây dựng phân bố ở các thềm sông suối, các vùng trũng trong sông suối tại các huyện Krông Ana, Lắk, Krông Bông, Krông Pắk, EaH'leo, Buôn Ma Thuột. Riêng mỏ Bắc Chư Pông (Ea H'Leo) đã xác định có trữ lượng khoảng 8 triệu m3 cát sỏi.
 
Đá khai thác phục vụ cho xây dựng có đá granit ở Ea H'leo, Krông Bông, trữ lượng ước tính gần 1 tỷ m3; đá bazan...hiện đang được khai thác, tuy nhiên mức độ khai thác chưa hợp lý và rất lãng phí.
 
Than bùn với 20 khu vực chứa than bùn, phân bố rải rác trên địa bàn tỉnh. Các mỏ than bùn điển hình như: Ea Pôk, Buôn JaWầm, Cuôr Đăng, Krông Ana, Ea Ktur, ...
Ngoài các loại khoáng sản kể trên Đak Lak còn có thể khai thác một số loại khoáng sản khác như quặng chì, kẽm, fluorit...
 
 
 
Đến cuối năm 2006, dân số trung bình Đắk Lắk 1.737.000 người , trong đódân số đô thị chiếm 22,13%, còn lại chủ yếu là dân số nông thôn chiếm 77,87%. Cộng đồng dân cư Đắk Lắk gồm 44 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm trên 70%; các dân tộc thiểu số như Ê Đê, M'nông, Thái, Tày, Nùng,... chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh.
 
Mật độ dân số trung bình toàn tỉnh là 131 người/km2, nhưng phân bố không đều trên địa bàn các huyện, tập trung chủ yếu ở thành phố Buôn Ma Thuột (840,5 người/km2), thị trấn huyện lỵ, ven các trục quốc lộ 14, 26, 27 chạy qua như Krông Búk, Krông Pắk, Ea Kar, Krông Ana (khoảng 250 - 350 người/km2). Các huyện có mật độ dân số thấp chủ yếu là các huyện đặc biệt khó khăn như Ea Súp, Buôn Đôn, Lắk, Krông Bông, M’Drắk, Ea Hleo v.v. (dưới 100 người/km2). Các dân tộc thiểu số sinh sống ở 125/170 xã trên địa bàn tỉnh, nhưng phần lớn tập trung ở các xã vùng cao, vùng xa. Ngoài các dân tộc thiểu số tại chỗ còn có số đông khác dân di cư từ các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến Đắk Lắk sinh cơ lập nghiệp.
 
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình hàng năm giảm từ 2,44% năm 2000 xuống còn 1,64% vào năm 2005. Trong những năm gần đây, dân số của Đắk Lắk có biến động do tăng cơ học, chủ yếu là di dân tự do, điều này đã gây nên sức ép lớn cho tỉnh về giải quyết đất ở, đất sản xuất và các vấn đề đời sống xã hội, an ninh trật tự và môi trường sinh thái.
 
Đắk Lắk là tỉnh có nhiều dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc có những nét đẹp văn hoá riêng. Đặc biệt là văn hoá truyền thống của các dân tộc Ê Đê, M'Nông,Gia Rai, v.v. với những lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như các bộ cồng chiêng, đàn đá, đàn T'rưng; các bản trường ca Tây Nguyên... là những sản phẩm văn hoá vật thể và phi vật thể quý giá, trong đó Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được tổ chức UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Tất cả các truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của Đắk Lắk.
Dân tộc Ê Đê thuộc ngữ hệ Malayô - Pôlinêdiêng, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Bắc và phía Nam: từ Ea Hleo, Buôn Hồ xuống M’Drak và kéo dài lên Buôn Ma Thuột.
Dân tộc M'nông thuộc ngữ hệ Môn-Khơ me, địa bàn cư trú chủ yếu là các huyện phía Nam và dọc biên giới Tây Nam.
 
Tỉnh Đắk Lắk bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột và 13 huyện; trong đó có 180 xã, phường, thị trấn.
Thành phố Buôn Ma Thuột: 13 phường và 8 xã
Huyện Ea H’leo: 1 thị trấn và 11 xã
Huyện Ea Súp: 1 thị trấn và 9 xã
Huyện Buôn Đôn: 7 xã
Huyện Cư M’gar: 2 thị trấn và 15 xã
Huyện Krông Búk: 1 thị trấn và 14 xã
Huyện Ea Kar: 2 thị trấn và 14 xã
Huyện M’Đrắk: 1 thị trấn và 12 xã
Huyện Krông Bông: 1 thị trấn và 13 xã
Huyện Krông Pắc: 1 thị trấn và 15 xã
Huyện Krông A Na: 1 thị trấn và 7 xã
Huyện Lăk: 1 thị trấn và 10 xã
Huyện Krông Năng: 1 thị trấn và 11 xã
Huyện Cư Kuin: 8 xã
 
Các cơ quan hành chính
 
Uỷ ban nhân dân
            Ủy ban nhân dân tỉnh: 09 Lê Duẩn - ĐT: (050) 851206 - 856128
            Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột: 1 Lý Nam Đế - ĐT: (050) 953522
 
Các Sở, Ban, Ngành
            Sở Kế hoạch - Đầu tư Đắk Lắk: 17 Lê Duẩn - ĐT: (050) 851462
            Sở Thương mại - Du lịch Đắk Lắk: 9 Nguyễn Tất Thành- ĐT: (050) 950993
            Sở Tài nguyên Môi trường: 46 Phan Bội Châu - ĐT: (050) 852477
Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk: 7 Đinh Tiên Hoàng - ĐT: (050) 854356
Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk: 17 Phan Bội Châu - ĐT: (050) 852404
Sở Tư pháp Đắk Lắk: đường Trường Chinh - ĐT: (050) 955726
Sở Xây dựng: 15 Hùng Vương - ĐT: (050) 856168 - 851295
Sở Nội vụ: 180 Nguyễn Du - ĐT: (050) 855542 - 852353
Sở Tài chính: 07 Nguyễn Tất Thành - ĐT: (050) 852446 - 852377
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 47 Nguyễn Tất Thành - ĐT: (050) 956752 - 956285
Sở Công an Đắk Lắk: 58 Nguyễn Tất Thành - ĐT: (050) 852537
                        + Phòng Cảnh sát Điều tra - ĐT: (050) 853600
                        + Phòng Cảnh sát Bảo vệ - ĐT: (050) 812216
                        + Phòng Xuất nhập cảnh - ĐT: (050) 853421
 
 
Ngành giáo dục đào tạo được quan tâm đầu tư thích đáng và đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao trình độ dân trí. Năm 2000 Đắk Lắk đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo công nhận tỉnh đã hoàn thành chương trình quốc gia xoá mù chữ và phổ cập tiểu học.
Năm học 2006-2007, toàn tỉnh có 624 trường phổ thông, 459.682 học sinh.
 
Đào tạo:
 
Tỉnh hiện có trường Đại học Tây Nguyên là trường đại học lớn nhất của Tây Nguyên, 01 trường Cao đẳng Sư phạm, 03 trường trung học chuyên nghiệp và 02 trường đào tạo công nhân kỹ thuật, trung tâm giáo dục thường xuyên tại tất cả các huyện, thành phố và hệ thống các trung tâm đào tạo ngoại ngữ, tin học trên toàn tỉnh.
 
Với hệ thống các trường đào tạo hiện có, trong những năm qua đã đào tạo, bồi dưỡng và cơ bản cung cấp đủ đội ngũ cán bộ, giáo viên phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
 
Các viện, trường trung ương
 
* Trường Đại học Tây Nguyên
 
Trường có 5 khoa: Dự bị, Sư phạm, Nông Lâm, Kinh tế và khoa Y, 2 Trung tâm: Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên, Trung tâm Công nghệ sinh học, Trung tâm nghiên cứu lâm sàng và sức khoẻ cộng đồng, và 2 đơn vị Phục vụ: Trung tâm Khảo thí và Trung tâm thông tin- Thư viện. Lực lượng cán bộ, giảng viên 390 người (giảng viên là 277 người) trong đó có 30 tiến sỹ, 91 thạc sỹ, 48 giảng viên chính. Hiện có gần trên 5.000 sinh viên theo học trong các khoa.
 
* Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên
 
Được thành lập theo Quyết định 930/1977/QĐ-TTg, Với chức năng chính là Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ về Nông lâm nghiệp, thuỷ lợi của vùng Tây Nguyên; Tham gia đào tạo, tư vấn, hợp tác quốc tế về các vấn đề liên quan. Với Tổng số nhân viên là 268 người; trong đó 6 tiến sĩ, 10 thạc sĩ.
 
* Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên
 
 Được thành lập năm 1977 với lĩnh vực hoạt động là Khoa học y dược. Tổng số nhân viên là 89 người trong đó 54 người có trình độ cao đẳng trở lên.
 
 
Một số kết quả đạt được trong nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật
 
Về Khoa học công nghệ: Đã tập trung nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông lâm nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, chế biến đối với một số loại nông sản, đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
 
Về Khoa học xã hội và nhân văn: Đã tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát triển các giá trị văn hoá truyền thống. Nhiều đề tài đã đi sâu nghiên cứu về bản sắc văn hoá các dân tộc bản địa. Tìm hiểu về luật tục, chữ viết, nghi lễ, lễ hội, hoa văn truyền thống, nhằm khôi phục và phát huy những giá trị văn hoá của các dân tộc, nâng cao sự hưởng thụ văn hoá trong cộng đồng.
 
Về điều tra cơ bản:
Đắk Lắk có hàng trăm công trình lớn nhỏ về điều tra cơ bản thuộc nhiều lĩnh vực như: Chương trình Tây Nguyên I, Chương trình Tây Nguyên II, các chương trình, đề tài, dự án điều tra về tài nguyên khoáng sản, sinh thái và xã hội của Đắk Lắk - Tây Nguyên, các dự án hợp tác quốc tế về sử dụng hợp lý tài nguyên nước, đất, đa dạng sinh học...
 
Trong 5 năm (1996 - 2000), Đắk Lắk triển khai 86 đề tài nghiên cứu và 2 dự án nông thôn miền núi. Trong đó nông nghiệp 40 đề tài và dự án.
 
 
Y tế
 
Tại Đắk Lắk, mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm củng cố, cán bộ y tế cơ sở được tăng cường.
 
Năm 2006, toàn tỉnh có 2.847 giường bệnh; 3.341 cán bộ y tế, đạt tỷ lệ 16,4 giường bệnh và 19,2 cán bộ y tế trên 1 vạn dân; từng bước đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
 
Tuyến tỉnh có 1 bệnh viện đa khoa 500 giường, 1 bệnh viện chuyên khoa 100 giường, 1 khu điều trị phong, 30 giường cùng 7 cơ sở y tế khác (da liễu, sốt rét, tâm thần...).
Tuyến huyện có 12 bệnh viện đa khoa, 12 đội vệ sinh phòng dịch sốt rét, 12 UBDS KHHGĐ.
Các đơn vị cơ sở có 165 trạm y tế, phòng khám đa khoa trên tổng số 180 xã, phường, thị trấn.

Nguồn tin: www.daklakdpi.gov.vn