Thông tin tổng quan về Thành phố Buôn Ma Thuột

Khái quát điều kiện tự nhiện và các thành tựu đạt được của Thành phố Buôn Ma Thuột
Điều kiện tự nhiên
(02 /11 /2009)

1. Vị trí địa lý:

Buôn Ma Thuột từ thị xã nhỏ bé 1975 đã phát triển lên thành phố năm 1995 ( đô thị loại 3) và sau 10 năm xây dựng thành phố Buôn Ma Thuột được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại 2 (2005), hiện nay đang xây dựng đề án nâng cấp lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh Đắk Lắk.

Buôn Ma Thuột không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk mà còn là thành phố trung tâm cấp vùng tây nguyên, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng của vùng và cả nước.

Về mặt địa lý, diện tích tự nhiên của thành phố Buôn Ma Thuột hiện nay có 377,18Km2 chiếm khoảng 2,87% diện tích tự nhiên tỉnh Đắk Lắk.

Phía Bắc giáp huyện CưM’gar.

Phía Nam giáp huyện Krông Ana, CưKuin.

Phía Đông giáp huyện Krông Pắc.

Phía Tây giáp huyện Buôn Đôn và Cư Jút ( tỉnh Đắk Nông).

Thành phố Buôn Ma Thuột có vị trí giao thông đường bộ rất thuận lựoi với các quốc lộ 14, 26, 27 nối liền với các tỉnh trong cả nước nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang, các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai, Campuchia. Về hàng không có sân bay đến thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng.

2. Điều kiện tự nhiên:

Nằm trên Cao Nguyên Đắk Lắk rộng lớn ở phía Tây dãy trường sơn, có địa hình dốc thỏai từ 0,5 – 10, cao độ trung bình 500mét so với mặt biển.

Thời tiết khí hậu vừa được chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa vừa mang tính chất khí hậu cao nguyên, trong năm có 2 mùa rõ rệt: mùa mưa ( tháng 5 đến tháng 10), mùa khô ( tháng 10 đến tháng 4 năm sau).

Về thủy văn, trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột có một đoạn sông Sêrêpok chảy qua phía Tây ( khoảng 23Km) và mạng lưới suối thuộc lưu vực sông Sêrêpok, có nhiều hồ nhân tạo lớn nhất như hồ EaKao, EaCuôrKăp và nguồn nước ngầm khá phong phú, nếu khai thác tốt phục vụ ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Về tài nguyên đất, chủ yếu là đất nâu đỏ trên đá cục BaZan (70%), đất nông nghiệp 73,78%, đất lâm nghiệp 22% ( chủ yếu rừng trồng), tài nguyên khoáng sản chính là đá bazan làm vật liệu xây dựng, sắt, cao lin, sét gạch ngói.

 
Tổng quan
(02 /11 /2009)

Hiện nay thành phố Buôn Ma Thuột có 13 phường, 08 xã với dân số trung bình năm 2008 là 329.292 người với 31 dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó 85,04% người kinh, 14,96% đồng bào dân tộc thiểu số, riêng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ 10,91% chủ yếu là đồng bào dân tộc Êđê.

 

Đồng bào theo các tôn giáo có 111.510 tín đồ, chiếm 33,86% dân số với 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành  và Cao đài.

1. Thành tựu:

1.1: Nền kinh tế thành phố tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2001 – 2008 đạt 14,86%, trong đó thời kỳ 2001 – 2005 đạt 11,38%, 2006 – 2008 đạt 17,85%.

 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, năm 2000 tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng trong GDP chiếm 26,91% tăng lên 32,11% năm 2005, 38,54% năm 2008, dịch vụ có tỷ trọng 38,20% năm 2000, tăng lên 46,31% năm 2005, 49,03% năm 2008, ngành nông nghiệp vẫn tăng về giá trị tuyệt đối nhưng về tỷ trọng giảm từ 34,82% năm 2000, xuống 21,58% năm 2005, 12,43% năm 2008.

 

GDP bình quân đầu người năm 2008 đạt 19,5 triệu đồng tăng 3 lần so năm 2000.

 

Thu ngân sách tăng bình quân trên 20%/năm. Riêng năm 2008 thu ngân sách trên địa bàn trên 1.000 tỷ đồng.

 

a. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng 20,64% năm ( thời kỳ 2001 – 2005 tăng 15,38%, năm 2006 – 2008 tăng 26,09%).

 

Nhiều ngành nghề, cơ sở sản xuất được mở rộng, tăng nhanh như bơm điện, cửa sắt, cửa nhôm, tôn lợp, cán thép, ván ốp lát, cà phê bột, cà phê hòa tan, nước tinh khiết. Nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn được đầu tư xây dựng như nhà máy thủy điện Buôn Kuop công suất 280MW (đã phát điện 140MW), nhà máy bia Sài Gòn – Đắk Lắk mở rộng giai đoạn 2 công suất 70 triệu lít/năm, nhà máy sản xuất thép…

 

Một số khu, cụm công nghiệp được hình thành như khu công nghiệp Hòa Phú diện tích 181ha đã có 12 dự án đăng ký đầu tư, cụm công nghiệp Tân An diện tích 48,5ha có 27 cơ sở sản xuất thuê đất, lấp đầy 100% diện tích đất sản xuất, cụm công nghiệp Tân An 2 (56,25ha) đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đã đăng ký đầu tư trên 1/3 diện tích, cụm công nghiệp Thành Nhất (40,33ha) đang phê duyệt quy hoạch chi tiết.

 

Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề truyền thống nhất là dệt thổ cẩm được chú trọng phục hồi và phát triển.

 

b. Dịch vụ, hoạt động dịch vụ trên địa bàn thành phố phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng bình quân 20%/năm, mạng lưới chợ được bố trí đều khắp trên địa bàn, chợ trung tâm và một số chợ phường, xã được đầu tư xây dựng và sửa chữa nâng cấp. Nhiều siêu thị và trung tâm thương mại được hình thành. Hệ thống khách sạn được phát triển khá nhanh, đến nay đã có trên 1.200 phòng khách sạn.

 

Các hoạt động dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông phát triển nhanh, hiện nay số máy điện thoại đã có trên 100máy/100 dân số so với 7,04 máy/100dân năm 2000.

 

c. Sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng trưởng bình quân 1,1%/năm; Năm 2008 sản lượng cà phê đạt 35.413 tấn, lương thực đạt 36.711 tấn, chăn nuôi cũng phát triển nhất là heo, gia cầm. Hiện nay có trên 100 trang trại. Trồng và bảo vệ quản lý rừng có nhiều tiến bộ hơn trước, 8 năm qua trồng mới được 288ha rừng.

 

d. Các thành phần kinh tế được tạo cơ hội và điều kiện phát triển, quy mô sản xuất ngày càng được nâng cao.

 

Kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mỗi năm bình quân có 400 doanh nghiệp mới đang ký kinh doanh, hiện nay toàn thành phố có 2.374 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh cá thể cũng phát triển mạnh, đến nay có 13.227 cơ sở.

 

Kinh té tập thể được quan tâm củng cố. Hiện nay toàn thành phố có 59 hợp tác xã  trong đó hợp tác xã công nghiệp 09, HTX thương mại dịch vụ 04, HTX vận tải, xây dựng có 26.

 

1.2 Văn hóa – xã hội có nhiều tiến bộ, đào tạo nguồn nhân lực và giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt.

 

a,. Giáo dục đào tạo đạt được nhiều kết quả ở tất cả các cấp học. Đã duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ đội ngũ giáo viên đạt chuẩn khá cao (từ THCS trở xuống đạt 97,2%, THPT đạt 100%). Hiện nay toàn thành phố có 34 trường mầm nonm, 55 trường tiểu học, 26 trường THCS, 11 trường THPT với tổng số học sinh 88.570 đến nay toàn thành phố có 22 trường đạt chuẩn quốc gia.

 

Công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh nhất là THPT và mầm non, 100% phường, xã có trung tâm học tập cộng đồng.

 

Giáo dục nghề nghiệp và đại học phát triển cả số lượng và chất lượng. Đại học Tây Nguyên đào tạo đại học đa ngành. Nhiều trường Đại học trong cả nước liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và thành phố đào tạo cán bộ không chỉ cho Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột mà cho cả Tây Nguyên. Hệ thống giáo dục cao đẳng, trung cấp, đa ngành, đa lĩnh vực đảm bảo cung cấp nhân lực cho nền kinh tế - xã hội của Đắk Lắk – Đắk Nông.

 

b, Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế. Công tác y tế dự phòng có hiệu quả, chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhiều năm liền không xảy ra dịch bệnh.

 

Trên địa bàn thành phố có 06 bệnh viện với tổng số giường bệnh 1.200, 100% trạm y tế có bác sỹ, 85% phường, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế.

 

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực y tế đạt kết quả, y học cổ truyền và dịch vụ y tế tư nhân phát triển ( đá có bệnh viện tư nhân ) góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh không chỉ cho nhân dân Đắk Lắk mà còn một phần của Đắk Nông và một số tỉnh ở Campuchia.

 

c, Đã tăng cường  đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu,  ứng dụng công nghệ, xây dựng mô hình và chuyển giao kết quả nhiều đề tài, dự án. Viện Khoa học nông lâm nghiệp Tây Nguyên triển khai tốt nhiều dự án về giống cây, con có năng suất, giá trị kinh tế cao.

 

d, Công tác văn hóa thông tin, tuyên truyền tiếp tục phát triển, phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được giữ vững và phát huy. Cuối năm 2008 số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa đạt 71% (năm 2000 đạt 50%), 39% tổ dân phố, thôn buôn đạt văn hóa, 95% cơ quan văn hóa, xây dựng 2 phường, xã văn hóa.

 

Công tác thông tin cổ động có nhiều tiến bộ, tập trung nhiều hơn ở các xã vùng ven. Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc được chú trọng, hàng năm đều tổ chức các hội thi văn hóa, thể thao các dân tộc, bước đầu khôi phục các lễ hội truyền thống, mở nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng. Đến nay 100% thôn, buôn, tổ dân phố đã xây dựng hương ước, quy ước.

 

Hoạt động truyền thanh, truyền hình có nhiều tiến bộ, chất lượng tin bài được nâng lên. Đài phát thanh phường, xã phát huy tác dụng khá tốt, 100% phường, xã đều có đài phát sóng FM.

 

Nhiều liên hoan, lễ hội hàng năm được tổ chức, một số khu du lịch sinh thái được khởi động, nhiều tua du lịch lữ hành được tổ chức.

 

e, Chương trình xóa đói giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tập trung đầu tư, hỗ trợ.

 

Ngoài việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia như Quyết định 168/TTg, Quyết định 139/TTg, 132, 134/TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố có đề án ổn định và phát triển các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, chương trình xóa đói giảm nghèo toàn thành phố. Đến nay đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4% (năm 2006: 18,04%). Chương trình 134/TTg đã cơ bản hoàn thành. Ở thành phố không còn thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

 

Việc giải quyết việc làm được thực hiện khá tốt, hàng năm tạo thêm việc làm cho khoảng 7.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp năm 2008 còn 2,34%.

2. Hạn chế, yếu kém:

 

2.1 Về kinh tế tuy tốc độ tăng trưởng đạt khá cao nhưng do điểm xuất phát thấp nên quy mô kinh tế còn nhhỏ bé, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thành phố. Nhiều chương trình, đề án, dự án trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ triển khai chậm, sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị không cao, sức cạnh tranh yếu, các hoạt động dịch vụ còn nhiều bất cập nhất là dịch vụ công cộng liên quan trực tiếp đến giáo dục – đào tạo, y tế, khoa học công nghệ, du lịch kém phát triển.

 

Sản xuất nông lâm nghiệp: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả còn thấp, nhân rộng mô hình còn hạn chế, kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất nông nghiệp, chương trình trồng rừng, phủ xanh  đất trống đồi trọc chưa đạt hiệu quả cao.

 

2.2 Về văn hóa – xã hội còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như môi trường sống bị ô nhiễm ở khu dân cư tập trung, tệ nạn xã hội và một số biểu hiện tiêu cực trong lĩnh vực này chưa được giải quyết tốt, đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao.

 

Công tác quản lý đô thị còn nhiều bất cập thể hiện trong việc triển khai quy hoạch chi tiết, quản lý nhà đất, an toàn giao thông, trật tự đô thị và vệ sinh môi trường.

 

2.3 Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn còn tiềm ẩn những nhân tố bất ổn, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội đạt hiệu quả chưa cao.


Nguồn tin: buonmathuot.gov.vn